Môi khô nẻ là tình trạng phổ biến và khó chịu, nhưng ít người biết rõ nguyên nhân gây ra nó. Trong đề tài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những nguyên nhân khiến môi khô nẻ, từ môi trường sống đến bệnh lý liên quan đến sức khỏe.
Mục Lục
1. Thiếu nước
Nước đóng vai trò rất quan trọng, biểu hiện đầu tiên của thiếu nước là da sẽ khô ráp, và môi cũng thế. Nếu bạn không uống đủ nước trong một thời gian dài thì môi trở nên khô và dễ bong tróc là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên hoạt động ngoài trời hoặc ngồi trong máy lạnh thì cơ thể sẽ nhanh mất nước và khiến môi nứt nẻ nhanh chóng hơn. Lúc này, chỉ cần bạn bổ sung nước và duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày thì cơ thể sẽ tự cân bằng và cung cấp đủ độ ẩm cho môi.
2. Không bảo vệ đôi môi khi ra đường
Môi cũng giống như da, nếu đôi môi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có chứa tia UV trong suốt một thời gian dài thì môi sẽ bị thâm và khô ráp, nứt nẻ. Hãy tìm một thỏi son dưỡng môi có thành phần chống nắng thích hợp giúp bảo vệ đôi môi bạn trước tia cực tím và nhớ đeo thêm khẩu trang để bảo vệ đôi môi của mình tốt nhất nhé.
3. Không tẩy da chết cho môi
Những đôi môi không được chăm sóc, tẩy tế bào chết cẩn thận sẽ dễ khô và bong tróc khi gặp những thay đổi về thời tiết. Nguyên nhân là do các bụi bẩn, tế bào chết bám và lưu giữ trên môi trong thời gian dài. Vì vậy, cũng như da mặt, da môi nên được tẩy tế bào chết 2 lần/ tuần để lấy sạch bụi bẩn và những phần da đã thoái hóa. Đồng thời tăng cường kích thích cho tế bào mới sản sinh thêm, giúp làn môi luôn tươi trẻ.
+ Điểm Danh Những Loại Mặt Nạ Cứu Tinh Cho Da Dầu
4. Thói quen liếm môi
Khi cảm thấy môi đang bị khô, nhiều người thường có thói quen liếm môi. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng, thói quen này giúp ta có cảm giác môi đỡ khô nhưng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khô môi.
Nguyên nhân: Trong dung dịch nước bọt chứa enzyme, muối vô cơ, protein, amylase (một loại men tinh bột) giúp tiêu hóa các chất trong thức ăn. Khi bạn liếm môi thì ngay lúc đó bạn sẽ thấy môi ẩm hơn, nhưng khi nước trong dung dịch bay hơi, để lại amylase dính trên bề mặt môi. Chất này sẽ làm da môi co lại và dễ khô ráp hơn.
Vì thế, nếu đang có thói quen liếm môi thì bạn cần bỏ ngay để không ảnh hưởng đến sức khỏe đôi môi của bạn nhé.
5. Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu chất, từ đó khiến đôi môi của bạn bị khô nứt, bong tróc. Hãy bổ sung đầy đủ các rau củ chứa:
- Vitamin B (có nhiều trong ngũ cốc, các loại hạt, trứng, sữa, bơ,…) ngăn ngừa lão hóa, trị thâm và làm mềm môi.
- Vitamin E (có nhiều trong các loại dầu thực vật, hạnh nhân, rau xanh, đu đủ, xoài..) chống oxy hóa, làm sáng môi.
- Vitamin C (có nhiều trong cam, súp lơ xanh, dâu tây, đu đủ, dứa,..) giúp môi chống lại các gốc tự do từ tia cực tím, thúc đẩy trao đổi chất và ngăn ngừa lão hóa.
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều Vitamin A (có nhiều trong gan động vật, cà rốt, bí đỏ,…) sẽ gây ra tình trạng môi khô, nên bạn chú ý khi thực đơn hằng ngày chứa nhiều các thực phẩm này nhé.
+ Bí Quyết Tẩy Trang Đúng Cách Cho Da Khô
6. Sử dụng kem đánh răng
Tại sao kem đánh răng có thể là nguyên nhân gây khô môi? Bởi vì trong một số các loại kem đánh răng hiện nay có chứa thành phần sodium lauryl sulfate – chất này có thể kích ứng môi, khiến đôi môi khô và nứt nẻ. Vì vậy, sau khi đánh răng, bạn nhớ chú ý: nếu môi cảm thấy khó chịu, nứt nẻ thì hãy thử sang loại kem đánh răng khác nhé.
7. Do bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân trên thì đôi môi nứt nẻ đôi khi còn do một số bệnh lý từ trong cơ thể. Ví dụ như bệnh về tuyến giáp, bệnh vẩy nến có thể gây khô môi; bệnh Perleche hoặc bệnh tiểu đường cũng khiến làn da quanh miệng bị khô, bong tróc thậm chí lở loét. Do đó, nếu đã thử mọi cách mà môi bạn vẫn khô ráp, nứt nẻ thì bạn nên cân nhắc đi khám để có hướng điều trị kịp thời, không ảnh hưởng quá xấu cho sức khỏe bạn nhé.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân khô môi của mình, hãy luôn có một thói quen sinh hoạt tốt để cơ thể và làn môi luôn khỏe đẹp nhé!
Nguồn bài: https://thammymisstram.vn/kham-pha-nguyen-nhan-khien-moi-kho-ne-kho-chiu/