Cách Giảm Sự Chán Nản Khi Luyện Tập Guitar

Chán nản khi luyện tập guitar là một trong những vấn đề tâm lý mà rất nhiều người học đàn guitar gặp phải. Đó có thể là chán nản khi bạn tập hoài không được một bài tập nào đó; hay chán nản khi bạn mất đi hứng học; hay thấy người khác học quá nhanh trong khi mình vẫn dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân chán nản?

Chán nản là khi bạn mất đi cảm hứng hay khao khát muốn luyện tập đàn guitar. Khi học đàn guitar, một số bạn vì mong muốn đạt được điều gì đó trong một thời gian ngắn nhưng lại thất bại đâm ra chán nản. Chán tập luyện là điều mà bất kỳ ai cũng sẽ đối mặt khi tập luyện một loại nhạc cụ nào đó. Có những người biết cách vượt qua nhưng đa số vẫn vướng mắc vẫn không phải là ít.

Xem thêm: Cách Nhận Biết Và Đánh Những Điệu Guitar Phổ Biến

Một số nguyên nhân chính làm cho bạn chán nản:

  • Mục tiêu quá cao so với khả năng phát triển của bản thân
  • Sự so sánh của bản thân với người khác
  • Luyện tập không theo phương pháp phù hợp
  • Ảnh hưởng khách quan từ phía môi trường (gia đình, công việc, các mối quan hệ,…)
  • Gặp sự trở ngại của vấn đề thể chất (tai nạn bất chợt, tật ở tay)

Trong số này, chúng ta thấy rằng 3 nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân xuất phát từ chủ quan của người tập. Nguyên nhân chủ quan nếu muốn giải quyết chúng phải thực sự quyết tâm, mặc dù phương pháp rất dễ áp dụng (chủ quan lý trí ảnh hưởng đến kết quả). Chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn phương pháp để giải quyết ba vấn đề trên:

1. Hãy đọc chia đích đến hay kết quả cần đạt thành các mục tiêu ngắn hạn

Mỗi người khi luyện tập có một khát khao về kết quả đạt được nhất định chẳng hạn: muốn thể hiện tài năng, muốn đánh solo một bài hát mình thích, muốn chạy ngón thật lẹ,… Đây không phải là những thứ mà ta không thể đạt được mà là con đường chúng ta đi đúng hay chưa. Bạn hãy làm một kế hoạch như sau khi học đàn guitar:

Ngày 1: Tập với tempo thật chậm

Chú ý: xếp ngón, tay phím lên xuống, các kỹ thuật (hammer on/pull off)

Ngày 2: Tăng tempo từ tempo gốc (70 bpm – 100 bpm)

Ngày 3: Nghỉ ngơi

Ngày 4: Tăng tempo lên mức cao nhất (nghỉ 15p sau khi tập khoảng 30p)

Chú ý: lỗi sai tay phím, xếp ngón, chạy nhịp

Tuỳ vào mỗi người mà mức tăng tempo có thể khác nhau. Hãy để những ngón tay nghỉ ngơi thấu đáo trước khi bắt đầu tập lại. Cũng như thế bạn có thể áp dụng cách tập theo mục tiêu ngắn hạn như sau. Đừng hấp tấp mà hãy kiên nhẫn theo mục tiêu của mình đề ra và tập trung 100% vào bài tập. Mục tiêu càng xa với khả năng hiện tại rất dễ làm bạn chán nản. Hãy đi từng bước nhỏ trước!

Xem thêm: Bật Mí 6 Mẹo Giúp Chơi Guitar Tốt Hơn

2. Hãy để ý đến sự phát triển của bản thân theo từng mục tiêu đã đề ra

Nhiều người hay cảm thấy bi quan khi thấy người khác phát triển nhanh hơn. Bạn nên nhớ rằng mỗi người có một thời gian phát triển khác nhau. Đó tuỳ thuộc vào khả năng tiếp thu và thời gian bạn bỏ ra để luyện tập. Dân gian có câu “hát hay không bằng hay hát”: bạn vẫn thừa sức đạt được trình độ cao nếu kiên trì luyện tập và đảm bảo chất lượng từng buổi tập.

Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, âm nhạc cũng cần phải có thời gian tu luyện và không phải độ dài thời gian đó đều quy chuẩn cho mọi người. Có những người tập nhanh bài tập đánh hợp âm, nhưng lại chậm khi luyện ngón. Leonardo Da Vinci là một nhà nghệ thuật tài ba nhưng khi còn trẻ, thầy ông đã bắt ông chỉ vẽ mỗi quả trứng gà suốt  thời gian dài. Không phải sinh ra tài năng thì có thể đi nhanh lẹ được.

Tuy nhiên, bạn có thể học tập phương pháp và trao đổi với những người bạn của mình. Họ sẽ có những cách thức luyện tập hữu ích mà bạn có thể áp dụng.

Xem thêm: 6 Bí Quyết Khuyến Khích Niềm Yêu Thích Âm Nhạc Ở Trẻ Em

3. Tìm hiểu phương pháp luyện tập hợp lý

Thiếu phương pháp tập luyện, chọn phương pháp không phù hợp và sai phương pháp là những thứ gây chán nản cho người tập. Giả dụ bạn tập chạy ngón nhưng lại không đạp nhịp chân hay bỏ qua việc sử dụng metronome thì tai hại biết bao. Có khi bạn chuẩn bị tập một kỹ thuật mới nhưng lại không biết phương pháp nào cho đặng.

Để tránh những điều này, dù phương pháp nào được đề ra đi chăng nữa thì bạn nên lưu ý mấy điều sau đây:

  • Phương pháp phải theo quy chuẩn khoa học: luyện ngón phải đi chung với nhịp phách, xếp tay theo âm giai trên cần đàn và áp dụng thực tế.
  • Phương pháp phải xây dựng được kế hoạch: mỗi bài tập ngón đều được chia thành những bài tập nhỏ (etude), từ đây mỗi người học sẽ phân bổ được thời gian cho từng bài từ mức độ dễ đến khó theo bài tập.
  • Phương pháp phải đề phần chú ý những lỗi sai: rất nhiều phương pháp tập luyện không nêu ra những lỗi sai căn bản. Điều này làm người tập mơ hồ hoặc bỏ qua những sai phạm căn bản nhất như lỗi tay phím, lỗi chạy nhịp, lỗi xếp ngón.
  • Phương pháp phải phù hợp với trình độ bản thân: trình độ sơ đẳng chỉ nên luyện theo những phương pháp cơ bản, nếu chuyển qua phương pháp tập nâng cao sẽ gây khó hiểu, hoặc tệ hơn là hiểu sai.

Note: Cách Chọn Đàn Guitar Dựa Trên Các Loại Gỗ

Những điều trên đây chúng tôi chia sẻ là những cách thức cơ bản để giảm đi tâm lý chán nản khi luyện tập guitar. Còn rất nhiều những cách khác nữa mà bạn có thể tham khảo. Tựu chung, chán nản là biểu hiện tâm lý rất bình thường của mỗi người kể cả những người tập lâu năm. Nếu thấy chán nản cùng cực hãy nghỉ ngơi đầu óc, thư giãn cơ thể và xem một tay guitar thế giới biểu diễn, tìm những tư liệu về quá trình sự nghiệp của một nghệ sĩ. Từ đó bạn có thể hiểu những lúc lên xuống của một nghệ sĩ thành công và họ có thể truyền cảm hứng cho bạn rất nhiều.

Kiên trì nhẫn nại luyện tập là điều mà chúng tôi gửi gắm đến các bạn đang luyện tập guitar. Những bài tập có khi nhìn chẳng có một tí hứng thú nhưng xâu chuỗi tất cả lại thành một kết quả mỹ mãn.

Nguồn: https://seami.vn/lam-sao-de-tranh-chan-nan-khi-luyen-tap-guitar/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *